Xu hướng định cư nước ngoài của người Việt
Xu hướng đầu tư định cư
“Đầu tư định cư” còn được biết đến với tên gọi là “định cư theo diện doanh nhân” là thuật ngữ mới xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Đầu tư định cư được hiểu là việc các nhà đầu tư Việt Nam chuyển vốn đầu tư trực tiếp vào một quốc gia khác để thiết lập các cơ sở kinh doanh theo luật pháp của nước sở tại, đồng thời xin hưởng quy chế định cư lâu dài tại quốc gia đó.
Ở nhiều nước phát triển, cấp quyền thường trú hoặc định cư cho nhà đầu tư nước ngoài là một chính sách thu hút đầu tư quan trọng được chính phủ áp dụng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính vào đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách và tạo ra công ăn việc làm cho người dân bản xứ. Đổi lại, các chính phủ đó phải chăm lo cải thiện môi trường đầu tư và bảo đảm an toàn đối với các khoản vốn đầu tư thì mới tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư toàn cầu. Một số nước như Mỹ, Anh Quốc, ÚC, New Zeland, Canada… đang là những quốc gia đi đầu trong chính sách thu hút đầu tư định cư. Gần đây, một số nước Châu Âu khác như Áo, Hungary, Manta… cũng bắt đầu chú trọng chính sách này.
Việt Nam từ một nước mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài và vốn viện trợ ODA cách đây vài thập kỷ, đến nay đã vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình. Tầng lớp người giàu và các tỷ phú mới nổi ngày càng đông đảo và không ngừng gia tăng. Đến lượt mình, các nguồn vốn thặng dư từ Việt Nam cũng bắt đầu tìm đường chảy ra ngoài. Nhưng thay vì chảy đến các nước đang phát triển thì các dòng vốn này lại chủ yếu chảy vào các nước phát triển. Lý giải hiện tượng này, ngoài lý do kinh tế còn những nguyên nhân khác mà các nhà đầu tư Việt Nam đang quan tâm. Trong khi môi trường kinh tế, xã hội trong nước đang đối mặt với một loạt các vấn đề bất ổn về vệ sinh an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, chất lượng y tế, giáo dục và ô nhiễm môi trường, thì các quốc gia phát triển lại sở hữu hệ thống giáo dục tiên tiến, môi trường sống và phúc lợi xã hội tốt, hệ thống y tế ưu việt, đó là môi trường lý tưởng cho các thế hệ trẻ học tập và cho người già hưởng thụ. Đây chính là những yếu tố hấp dẫn, thôi thúc một bộ phận người Việt tìm hướng định cư ở nước ngoài.
Làn sóng đầu tư định cư của người Việt trong vài năm qua chủ yếu tập trung vào các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu… trong đó Mỹ và Úc là hai thị trường được người Việt quan tâm nhiều nhất, mặc dù tại các quốc gia này, việc đầu tư định cư đòi hỏi những điều kiện tương đố khắt khe với mức vốn đầu tư cao.
Điều kiện đầu tư định cư vào các quốc gia phát triển
Bên cạnh những quyền lợi hấp dẫn về thường trú hoặc định cư được trao cho nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ mỗi quốc gia đều đặt ra những điều kiện và yêu cầu nhất định trước khi chấp thuận cho phép các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường nước sở tại.
Quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài
Chính phủ Việt Nam khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước [2].
Khi đầu tư vào bất kỳ quốc gia nào, nhà đầu tư đều phải tuân thủ các quy định về đầu tư ra nước ngoài của Luật đầu tư Việt Nam năm 2014. Theo đó, khi thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, nhà đầu tư Việt phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không được nằm trong danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư phải cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; Và,có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, Nhà đầu tư Việt Nam phải đăng ký tài khoản vốn và tiến độ chuyển vốn ra nước ngoài tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam và thực hiện việc góp vốn theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài, Nhà đầu tư phải thường xuyên báo cáo về tình hình và tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế và ngoại hối trong quá trình đầu tư. Nhìn chung,với những chính sách và ưu đãi rộng mở tại các quốc gia phát triển, nhà đầu tư Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đầu tư và định cư tại các quốc gia phát triển.